Quảng Ninh: Phấn đấu hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 trong tháng 10/2021

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Thông báo số 11-TB/BCĐ về sơ kết chiến dịch cao điểm tiêm chủng diện rộng phòng Covid-19 mũi 1; chuẩn bị phương án, kế hoạch tiêm nhắc lại (mũi 2) trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngày 22/9/2021, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) chủ trì Hội nghị sơ kết chiến dịch cao điểm tiêm chủng diện rộng phòng Covid-19 mũi 1; chuẩn bị phương án, kế hoạch tiêm nhắc lại (mũi 2) trên địa bàn toàn tỉnh theo Giấy mời số 291-GM/TU ngày 21/9/2021 của Tỉnh ủy. Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, các ý kiến tham gia tại hội nghị, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

Với mục tiêu “Bảo vệ sức khỏe của Nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết”, với tinh thần chủ động, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo thực hiện chiến lược “5K + vắc xin”, chủ động, tích cực tiếp cận nhanh nhất nguồn vắc xin đáp ứng nhu cầu tiêm chủng diện rộng trên toàn tỉnh; phát huy kinh nghiệm thành công của các đợt tiêm chủng cho các lực lượng tuyến đầu, cư dân biên giới, công nhân lao động trong các khu công nghiệp… trong các tháng đầu năm 2021; tranh thủ “thời điểm vàng” giữ được vùng “xanh” an toàn, địa bàn ổn định trong trạng thái bình thường mới, có được sự đồng thuận, ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cao nhất triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đến ngày 22/9/2021, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng mũi 01 (là 01 trong 04 địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước) đảm bảo tuyệt đối an toàn, hiệu quả, nhanh nhất theo mô hình “cuốn chiếu”. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ghi nhận, biểu dương, đánh giá rất cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực cao độ của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện công tác tiêm chủng từ khi triển khai đến nay.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ những kết quả quan trọng bước đầu nêu trên đó là: Phải đặt an toàn trong tiêm chủng lên hàng đầu. Công tác tổ chức tiêm chủng trên diện rộng mang tính chất chiến dịch phải được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi khâu, mọi việc, đặc biệt lưu ý công tác chuẩn bị xử lý hiệu quả các tình huống có thể nảy sinh sau tiêm. Sự tin tưởng, đồng lòng của nhân dân, sức mạnh của nhân dân và ý thức trách nhiệm của công dân là cội nguồn của thắng lợi. Sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã là yếu tố quyết định thành công chiến dịch tiêm chủng bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, an toàn. Lực lượng y tế làm nòng cốt về chuyên môn được huy động tổng lực, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án tiêm chủng và tổ chức thực hiện. Công tác truyền thông giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong Nhân dân; huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tiêm chủng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục như việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng chưa kịp thời; cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho Nhân dân chưa đồng bộ, thống nhất, chưa gắn với phục vụ công tác quản lý; việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng và địa phương cấp huyện, cấp xã có thời điểm chưa thực sự chặt chẽ, nhịp nhàng.

Thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhất là khi các địa phương bùng phát dịch trong làn sóng dịch lần thứ 4 sẽ từng bước được khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, dần trở lại trạng thái bình thường mới, nới lỏng giãn cách xã hội; nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh từ 4 nguồn lây nhiễm luôn hiện hữu: (1) Đối tượng nhập cảnh trái phép; (2) Đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; (3) Nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng, nhất là từ các địa phương đang có ca F0, F1 chưa được truy vết, thâm nhập vào địa bàn tỉnh; (4) Một số hàng hóa được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước, các vùng có dịch bệnh. Trong khi đó, nhiều người dân trong tỉnh còn biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, ý thức phòng, chống dịch chưa cao, nhất là sau khi đã được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Do vậy, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Trong đó lưu ý:

1. Quyết tâm, quyết liệt giữ vững thành quả phòng chống dịch, vùng “xanh” an toàn, địa bàn ổn định trong trạng thái bình thường mới để tập trung triển khai thành công tiêm chủng vắc xin mũi nhắc lại (mũi 2) cho 100% người dân có chỉ định tiêm trong quý IV/2021 với tốc độ, năng suất, độ an toàn cao hơn mũi 1, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 10/2021. Việc xây dựng kế hoạch tiêm mũi 2 phải được tính toán, dự phòng trong cả hai tình huống là vùng “xanh” an toàn hoặc xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, thậm chí lây lan, bùng phát rộng theo chỉ đạo tại Thông báo số 362- TB/TU ngày 21/9/2021 của Thường trực Tỉnh ủy và số 10-TB/BCĐ ngày 17/9/2021 của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

– Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các địa phương tập trung rà soát kỹ lưỡng, chính xác, đầy đủ dữ liệu các đối tượng có chỉ định tiêm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người đã được tiêm; chậm nhất đến ngày 30/9/2021 phải hoàn thành xong việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng mũi 1 theo từng địa bàn vào hệ thống dữ liệu tiêm chủng quốc gia; cấp giấy chứng nhận tiêm chủng bản giấy và bản điện tử sử dụng thuận lợi trên các thiết bị, điện thoại thông minh. Khẩn trương lập danh sách các đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi, chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng triển khai tiêm chủng nhanh chóng, an toàn, hiệu quả ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

– Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 6741/CĐ-VPCP, ngày 22/9/2021 trong đó cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan đặc biệt lưu ý lãnh đạo, chỉ đạo tiêm vắc xin phòng Covid-19 đúng quy trình, nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người dân trên tinh thần bảo đảm tuyệt đối an toàn, không được thu phí tiêm chủng hay bất kỳ biểu hiện trục lợi nào khác trong việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin,… phục vụ phòng, chống dịch phải bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

– Về lâu dài, sau khi hoàn thành tiêm mũi 2 cho toàn bộ người dân có chỉ định tiêm phải xây dựng chiến lược phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình mới một cách bền vững theo phương châm “5 trước”, “4 tại chỗ'”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, “phòng, tránh là chính, tự cứu lấy mình là chính”, thích ứng an toàn, giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng đối phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả, bảo vệ và phát triển sản xuất, đời sống.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao Sở Y tế, các địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng và triển khai “Bộ quy tắc ứng xử” đối với các cá nhân đã tiêm 01 mũi vắc xin, tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo hướng vì lợi ích chung, bảo vệ cộng đồng, tôn trọng những trường hợp chưa có chỉ định tiêm vắc xin.

2. Kiên định thực hiện nguyên tắc, phương châm “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, ”khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài”; tầm soát chủ động khoa học, phát hiện kịp thời mầm bệnh, ca bệnh, khoanh vùng dập dịch, triệt để từ bên trong. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn nữa người và phương tiện ra vào tỉnh tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trên cả tuyến đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không. Chủ động, lường trước, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ gốc khi dịch bệnh chưa xuất hiện tại địa phương; tích cực chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, nhanh chóng hiệu quả khi dịch xuất hiện.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, khoa học tầm soát chủ động, giám sát, phát hiện sớm, sàng lọc nhanh các trường hợp nghi mắc, người có nguy cơ cao, tuyệt đối không để ca bệnh thành ổ dịch, ổ dịch thành đợt dịch; nghiên cứu tần suất, tỷ lệ % xét nghiệm đảm bảo phù hợp với các quy định chung và thực tiễn khách quan, bảo đảm thiết thực, hiệu quả đối với từng đối tượng, khu vực, địa bàn có nguy cơ, tránh lãng phí, tiêu cực.

3. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất, thường xuyên, liên tục các nền tảng công nghệ theo quy định. Yêu cầu bắt buộc mọi cá nhân, người dân khi tới các địa điểm công cộng, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ quan, công sở,… phải khai báo y tế điện tử, quét mã QR Code. Tuyên truyền sâu rộng trên hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh việc hướng dẫn cụ thể để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân Quảng Ninh biết cách tự làm test nhanh Covid-19 tại nhà.

4. Tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết phòng, chống dịch Covid-19, phát hiện và tố giác người nhập cảnh trái phép, người trốn và người không chấp hành nghiêm cách ly” trong công tác phòng, chống dịch, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, kể cả khi đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin; phát huy cao độ vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng tại địa bàn khu dân cư; khi phát hiện người từ vùng có dịch, người lạ xuất hiện tại địa phương, báo ngay cho cơ quan chức năng, người có trách nhiệm trên địa bàn.

5. Hơn lúc nào hết, sự tự giác chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là quy định 5K hằng ngày của mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân dưới sự giám sát thường xuyên, liên tục của Tổ Covid-19 ở cộng đồng và chính quyền cấp xã có ý nghĩa quyết định hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn mới. Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp cá nhân, tổ chức chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định phòng, chống dịch nhằm giữ vững thành quả phòng, chống dịch của tỉnh từ đầu năm 2020 đến nay.

Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người…; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm yêu cầu phòng, chống dịch, không để tụ tập đông người nơi công cộng, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Báo Quảng Ninh