Hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng Covid-19: Đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng

Ngày 16/8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND trong đó có việc hỗ trợ người lao động (NLĐ) không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các địa phương nỗ lực hết mình, sớm giải quyết nhanh gọn, tạo điều kiện tối đa để người lao động được động viên, chia sẻ khó khăn kịp thời. Xung quanh nội dung này, Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

Thưa đồng chí! xin đồng chí cho biết cụ thể các đổi tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hỗ trợ theo Quyết định số 42 của UBND tỉnh như thế nào?

+Theo quy định tại Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh, các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hỗ trợ bao gồm: Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo Quốc gia và chuẩn nghèo của tỉnh), đảm bảo các điều kiện sau: Thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả điều tra, rà soát đến cuối năm 2020 và hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm 2021; không thuộc diện đang hưởng chế độ trợ cấp người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng khác và bảo hiểm xã hội theo các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh. Mức hỗ trợ: 1,5 triệu đồng/người.

NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận) phải nghỉ việc, mất việc làm do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, làm một trong các công việc sau: Thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hoá; lái xe mô tô 2 bánh hoặc 3 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn, uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khoẻ, cắt tóc trên vỉa hè hoặc trong chợ; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; thợ xây, thợ các công trình xây dựng.

Mức hỗ trợ: Căn cứ theo thực tế số ngày bị nghỉ việc, mất việc làm do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; mức hỗ trợ là 50.000đồng/người/ngày; số tiền hỗ trợ tối đa không quá 3,7 triệu đồng.

– Là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn triển khai, xin đồng chí cho biết tính đến thời điểm này đã triển khai như thế nào? Kết quả ra sao?

+Ngay sau khi Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND được ban hành, Sở Lao động – TB&XH đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện. Cụ thể, Sở đã ban hành 08 văn bản trao đổi, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã kịp thời cập nhật và đang tập trung công tác chỉ đạo triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh.

Tính đến thời điểm ngày 23/9/2021, kết quả hỗ trợ cụ thể như sau: Số được phê duyệt hỗ trợ: tổng số người được phê duyệt hỗ trợ: 11.333 người với tổng số tiền được phê duyệt hỗ trợ là: 16,996 tỷ đồng. Số đã thực hiện hỗ trợ: tổng số người được hỗ trợ: 11.198 người với tổng số tiền được hỗ trợ là: 16,794 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cho 11.195 người với số tiền trên 16,792 tỷ đồng; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cho 3 người với số tiền 1,6 triệu đồng.

– Thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai những nhiệm vụ như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực, lợi dụng, trục lợi chính sách, thưa đồng chí?

+Trong thời gian tới Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục chủ động phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc phát sinh trong quá trình tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ để các địa kịp thời thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ. Đồng thời đôn đốc các địa phương tiếp tục tuyên truyền, khẩn trương rà soát đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) phải nghỉ việc, mất phải nghỉ việc, mất việc làm do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 để xem xét hỗ trợ khi đáp ứng đủ các điều kiện; giúp đối tượng này khắc phục khó khăn tạm thời trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh.

Mặt khác, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý những tồn tại, sai phạm (nếu có), thực hiện thật tốt chỉ đạo của UBND tỉnh đó là: Việc triển khai hỗ trợ cho người dân phải đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực, lợi dụng, trục lợi chính sách.

– Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Báo Quảng Ninh