Ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 tại hội nghị ngày 17/1

Tỉnh ủy vừa ban hành Thông báo số 495-TB/TU Ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 tại hội nghị ngày 17/1/2022.

Trong tuần qua, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ứng phó kịp thời với các diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 (mũi tăng cường) cho người từ 18 tuổi trở lên; tập trung tổ chức tiêm vét cho người từ 12 tuổi trở lên có chỉ định tiêm nhưng chưa tiêm, nhất là người cao tuổi, có bệnh lý nền; tiếp tục củng cố các tổ COVID-19 cộng đồng, bổ sung lực lượng tình nguyện viên tại cơ sở. Đến nay, tỉnh vẫn cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, giảm số ca mắc mới, số ca trở nặng và tử vong thấp. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2 ca F0 nhập cảnh nhiễm biến chủng mới Omicron; mặc dù đã được cách ly nghiêm ngặt theo đúng quy định, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Sau khi thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cơ bản thống nhất với các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tại báo cáo ngày 17/01/2022. Trong đó lưu ý:

1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Công điện số 28/CĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Mục tiêu từ nay đến Tết Nguyên đán phải giữ bằng được địa bàn “An toàn – Ổn định – Phát triển trong trạng thái bình thường mới”; giữ vững sự ổn định chính trị – xã hội; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phòng, chống dịch với phát triển kinh tế – xã hội.

2. Tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm vét tối đa cho những người từ 12 tuổi trở lên có chỉ định tiêm nhưng chưa tiêm, thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà đối với các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, dễ bị tổn thương; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 (mũi tăng cường) cho người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm, phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 23/1/2022.

3. Tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm sàng lọc theo quy định; kiểm soát chặt chẽ không để tăng số ca mắc mới, số ca trở nặng, số ca tử vong; không để biến chủng Omicron xâm nhập và lây lan ra cộng đồng.

Siết chặt quản lý, tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Quảng Ninh, không để bất kỳ trường hợp nào nhập cảnh từ nước ngoài về qua Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, các cảng biển quốc tế, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới mà không được quản lý, cách ly, kiểm soát nghiêm ngặt theo quy định. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, Trưởng Công an các địa phương, chủ các cơ sở cách ly chịu trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, cách ly những người từ nước ngoài về và gia đình, người thân của các trường hợp này không để đi khỏi nơi cư trú, tiếp xúc với người xung quanh. Các trường hợp nhập cảnh có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19, nhất là biến chủng Omicron phải được đưa về cách ly tập trung tại Trung đoàn 244 – nơi cách ly, thu dung, điều trị tốt nhất hiện nay của tỉnh để theo dõi, giám sát, hỗ trợ y tế kịp thời.

Tiếp tục khuyến khích người dân hằng ngày tự làm xét nghiệm test nhanh COVID-19 nhằm kịp thời phát hiện tất cả trường hợp nghi nhiễm. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị số lượng test kit cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động thuộc quyền quản lý; tổ chức xét nghiệm sàng lọc định kỳ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

4. Tập trung nâng cao thực chất năng lực y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện và các sở, ngành chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện đầu tư mua sắm theo quy định các trang thiết bị cần thiết, các hóa chất, vật tư, sinh phẩm, thuốc men, kit xét nghiệm…; xây dựng phương án cụ thể điều phối các trang thiết bị, máy thở, bình oxy… gắn với phương án đào tạo, bồi dưỡng, điều động nhân lực y tế phù hợp bảo đảm ứng phó hiệu quả với các cấp độ dịch trên địa bàn.

Giám đốc Sở Y tế và Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trong việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của trung tâm y tế cấp huyện gắn với trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động, đảm bảo tối ưu hóa trong sử dụng nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu ứng phó, xử lý tốt nhất trong mọi tình huống nảy sinh trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”.

5. Tăng cường tối đa việc điều trị F0 thể nhẹ, không có triệu chứng tại nhà, có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn chuyên môn kỹ lưỡng, chặt chẽ của Bộ Y tế, trong đó, đặc biệt quan tâm các trường hợp người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm, dễ trở nặng. Thiết lập mạng lưới tình nguyện viên, chế độ chia sẻ thông tin giám sát hằng ngày, đảm bảo giải quyết kịp thời, nhanh nhất nhu cầu hỗ trợ của người dân. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện hậu cần, đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ F0 trong dịp Tết Nguyên đán.

6. Đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của người dân trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội và sinh hoạt hằng ngày; nâng cao năng lực bảo vệ bản thân, gia đình và trách nhiệm với cộng đồng; tuân thủ nghiêm quy định 5K và các biện pháp ứng phó với biến chủng Omicron, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm quy trình, quy định phòng, chống dịch COVID-19 ngay từ cơ sở.