Quảng Ninh chặn sóng Covid-19, đón sóng đầu tư FDI

ịch bệnh Covid-19 bùng phát diện rộng trên toàn thế giới và nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Đón bắt được tình hình đó, kết hợp với lợi thế giữ vững được địa bàn an toàn, tỉnh Quảng Ninh không ngừng nỗ lực xúc tiến đầu tư, thu hút được lượng lớn nguồn vốn FDI vào địa bàn; góp phần duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất các sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH Dệt may Hoa Lợi Đạt Việt Nam tại KCN Cảng biển Hải Hà. Ảnh: Mạnh Trường

Sản xuất các sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam
tại KCN Cảng biển Hải Hà.

Ngay từ những ngày đầu năm, xác định dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn những điều khó lường, ảnh hưởng lớn đến những trụ cột phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã nhanh chóng nhận diện, rà soát những lĩnh vực, ngành còn nhiều dư địa phát triển để tận dụng thúc đẩy đầu tư, tăng năng suất sản xuất. Một trong những lĩnh vực được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đó là ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư khắc phục, giải quyết những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cần phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút được nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là đối với dự án có nguồn vốn FDI.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn đã tập trung rà soát, tham mưu cho tỉnh hoạch định thu hút những dự án động lực, trọng điểm, có số vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ sạch, ít hao tổn tài nguyên và tạo ra giá trị gia tăng cao.

Riêng Ban Quản lý KKT tỉnh đã tiếp xúc, làm việc với gần 30 lượt nhà đầu tư để truyền đi những thông điệp của tỉnh trong việc ưu tiên thu hút những dự án đầu tư vào địa bàn KCN, KKT. Trong đó, điển hình là Ban đã làm việc với Công ty Iris Ohyama (Nhật Bản) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án điện gia dụng, tủ lạnh; Tập đoàn Amata, Công ty TNHH Toyota Tsusho và Công ty Aapico Hitech PCL (Thái Lan) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án Tổ hợp Smart City Móng Cái và các dự án sản xuất công nghiệp ô tô; Công ty TNHH VSIP Hải Phòng nghiên cứu triển khai đầu tư dự án hạ tầng KCN; Tập đoàn BYD (Trung Quốc) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án về lĩnh vực chế biến, chế tạo; làm việc với Công ty Jinsung Hitec Co., Ltd (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án Jinsung Hitec Vina….

Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam.

Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện
Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam.

Đặc biệt, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, với sự hỗ trợ, cam kết của các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực từ các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh đầu tư 2 dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao tại KCN Sông Khoai. Dự án thứ nhất có tên gọi Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD và dự án thứ 2 là Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam, có tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD. Đây là 2 dự án có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay, kỳ vọng sẽ tạo ra những dư địa phát triển mới trong lĩnh vực công nghiệp.

Ngoài 2 dự án cấp mới tiêu biểu nói trên, tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận thêm nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, như: Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD); Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD); Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD); Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD); Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD).

Công ty TNHH sản xuất bột mì Vimaflour vừa đưa vào sử dụng 6 robot bốc hàng, với năng suất đạt 1.000 tấn/ngày. Ảnh: Mạnh Trường

Công ty TNHH sản xuất bột mì Vimaflour vừa đưa vào sử dụng 6 robot bốc hàng,
với năng suất đạt 1.000 tấn/ngày.

Theo Ban Quản lý KKT tỉnh, tính đến giữa tháng 9, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư vào địa bàn KCN, KKT tỉnh đạt gần 300.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI chiếm đa số. Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Có được kết quả đó, điều đầu tiên đó là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh khi thực hiện cam kết với nhà đầu tư. Từ việc cân nhắc lựa chọn giữa Việt Nam và Malaysia là địa điểm đầu tư dự án mới, chỉ sau một lần gặp gỡ, trao đổi giữa các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Tập đoàn Jinko Solar đã lựa chọn Việt Nam, mà cụ thể là tỉnh Quảng Ninh để đầu tư.

Không chỉ dừng lại ở môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, mà các nhà đầu tư còn ghi nhận, đánh giá cao mô hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở tỉnh Quảng Ninh. Đối với các doanh nghiệp FDI, ngoài việc được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để đưa các chuyên gia, lao động từ nước ngoài vào địa bàn làm việc thì tỉnh còn sớm ưu tiên dành nguồn vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho toàn bộ cán bộ, công nhân lao động trong các doanh nghiệp tại địa bàn KCN, khu chế xuất. Theo tính toán của các ngành liên quan, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ đưa trên 800 người nước ngoài của 191 doanh nghiệp vào tỉnh để tham gia làm việc trong các doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp đảm bảo an toàn tuyệt đối, chưa xuất hiện các ca F0 trong các doanh nghiệp và địa bàn KCN.

Với địa bàn được giữ vững an toàn cùng chính sách hỗ trợ đầu tư thông thoáng, tin chắc rằng, làn sóng đầu tư từ dòng vốn FDI sẽ tiếp tục được dồn về tỉnh trong sự kỳ vọng về một Quảng Ninh ngày càng phát triển năng động, bền vững.

Theo Báo Quảng Ninh