Kiên trì chiến lược “chống dịch như chống giặc”

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh nhận diện trước tình hình, sẵn sàng dự liệu tình huống xấu nhất có thể xảy ra, để mọi việc đều vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Phương châm chống dịch của tỉnh là tiếp tục kiên trì “3 trước, 4 tại chỗ”, thực hiện rà soát, nâng tầm kịch bản phòng chống dịch, dự liệu các tình huống phức tạp hơn có thể nảy sinh và tập trung khẩn trương chuẩn bị tốt nhất phương án, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó trong mọi trường hợp.

Lực lượng chức năng kiểm soát chặt người ra – vào địa bàn tỉnh qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 cầu Bạch Đằng.

“Đón đầu, đánh chặn” để phòng dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh, nhiều tỉnh phía Nam ghi nhận mỗi ngày hàng nghìn ca mắc, các tỉnh lân cận với Quảng Ninh cũng ghi nhận các ca mắc mới, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống dịch Covid-19 đã quyết định toàn tỉnh phải quyết tâm cao hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nâng mức cảnh báo trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, dù gần 2 tháng qua chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, nhưng Quảng Ninh không chủ quan, lơ là, mà luôn cảnh giác áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng dịch.

Tỉnh đã kiên trì chiến lược ngăn chặn dịch ngay từ cửa ngõ, vị trí xung yếu, bằng việc siết chặt quản lý người, phương tiện, hàng hóa lưu thông ra, vào tỉnh, đặc biệt là vào tỉnh. Các lực lượng chức năng làm việc tại các chốt kiểm soát dịch đã phân luồng kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện từ các địa phương phía Nam, TP Hà Nội và các địa phương có dịch. Tỉnh cũng rà soát, tạm dừng hoạt động các cảng, bến thủy nội địa không thực sự cần thiết, các bến tạm, bến hoạt động không phép; chỉ hoạt động những bến thực sự cần thiết phục vụ vận chuyển hàng hóa và nhu cầu thiết yếu. Các chốt kiểm soát hoạt động 24/7 tại các cảng bến cũng được thành lập.

Trước mỗi diễn biến của dịch, tỉnh lại có các chỉ đạo mới để đảm bảo ngăn chặn dịch không xâm nhập vào địa bàn. Mới đây nhất, tỉnh yêu cầu người vào Quảng Ninh ngoài việc khai báo y tế điện tử, có đầy đủ các giấy tờ tùy thân, còn phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính tối đa 48h kể từ khi lấy mẫu và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Đối với các xe tải, xe container qua chốt kiểm soát đều được dán tem niêm phong cabin buồng lái và lái xe được yêu cầu không ra khỏi xe trong quá trình di chuyển đến nơi xuống hàng.

Chỉ tính từ ngày 9 đến 20/8, tỉnh đã kiểm soát được hơn 104.500 phương tiện đi qua các chốt kiểm soát đường bộ; trên 2.400 phương tiện đường thủy. Số người từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh bằng đường bộ là 116.200 lượt; đường thủy trên 3.000 lượt. Kiểm soát 7 chuyến bay từ nước ngoài nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn, với tổng số gần 1.000 công dân Việt Nam, thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định.

Công an xã Bình Dương (TX Đông Triều) đến nhà dân lấy thông tin nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng.

Không chỉ kiểm soát ở các cửa ngõ, các địa phương cũng kiểm soát chặt chẽ ngay trong địa bàn với việc củng cố và phát huy hiệu quả hơn 5.000 tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng, kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để ngăn ngừa, phát hiện những người tìm mọi cách vào địa bàn mà không được kiểm soát về y tế.

Đặc biệt, trước biến chủng của virus SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh, tỉnh đã chuyển sang chiến lược “đón đầu, đánh chặn” chủ động tầm soát sàng lọc trong cộng đồng, để phát hiện sớm, phát hiện nhanh, không để bị động, bất ngờ về mầm bệnh, ca bệnh và ổ dịch. Hằng tuần, các đơn vị đều thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% số lao động của đơn vị và xét nghiệm toàn bộ cho người lao động tham gia cung ứng dịch vụ, hàng hóa cho đơn vị.

Trong đợt cao điểm, toàn tỉnh triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với tiểu thương, người bán hàng, nhân viên, người lao động làm việc tại các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm, các siêu thị, trung tâm thương mại; người giao hàng cho các địa điểm nêu trên. Đối với các địa phương có tuyến biển, tuyến đường thủy nội địa, thực hiện xét nghiệm cả lái đò, ngư dân, những người làm dịch vụ phục vụ liên quan tại các cảng, bến thủy, bến cá, tàu cá… Đồng thời, tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với tất cả người lao động, công nhân các công trường xây dựng, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Những trường hợp sốt, ho, khó thở và các biểu hiện dịch tễ liên quan đến Covid-19 đều được thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR.

Kể từ ngày 11/8 đến nay, các đơn vị đã thực hiện xét nghiệm được 105.718 người, trong đó 92.378 người bằng phương pháp RT-PCR và 13.340 người bằng phương pháp test nhanh. Qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, Quảng Ninh vẫn chưa phát hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng từ ngày 26/6 đến nay.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long được lấy mẫu test nhanh kháng nguyên Covid-19.

Không để bị động, bất ngờ

Xác định quan điểm phòng dịch hơn chống dịch, song tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chuẩn bị kịch bản cho tất cả các mức độ của dịch bệnh. Trong đó, việc đảm bảo các khu cách ly tập trung cũng là 1 trong những vấn đề được đặt ra.

Theo đó, tỉnh yêu cầu các các huyện thị xã, thành phố xác định địa điểm bổ sung công suất cách ly tập trung. Cụ thể, TP Hạ Long đảm bảo cơ sở cách ly cho 50.000 người; 30.000 người đối với các thành phố, thị xã và 10.000 người đối với các địa phương còn lại; 500 người đối với huyện Cô Tô. Cùng với đó, thành lập bộ khung kiêm nhiệm có người đứng đầu, cấp phó khu cách ly, nhân viên y tế, an ninh trật tự; phân công cụ thể bộ khung, nhân viên kiêm nhiệm được tập huấn vận hành. Các cơ sở cách ly được chuẩn bị sẵn sàng điện, nước, vệ sinh, phương án đảm bảo lương thực thực phẩm để vận hành cơ sở cách ly trong mọi tình huống.

Ngành Y tế sẵn sàng phương án về nhân lực, trang thiết bị đáp ứng các mức độ dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn các khu cách ly ở các địa phương bảo đảm cơ bản đủ về số lượng công dân cách ly trên địa bàn theo chỉ đạo của tỉnh. Các điểm cách ly của các địa phương chủ yếu được lựa chọn là các khu du lịch, cơ sở giáo dục, tôn giáo, trụ sở của các cơ quan, nhà văn hóa, các công trình của các cơ quan, doanh nghiệp.

Qua rà soát, lựa chọn, hiện tổng số điểm cách ly trên toàn tỉnh theo phương án của các địa phương là 905 cơ sở, với khả năng cách ly cao nhất được 186.657 người. Trong đó có 292 cơ sở cơ bản đủ điều kiện để cách ly được ngay, với khả năng cao nhất cách ly được 35.794 người. Hầu hết phương án cách ly ở các địa phương được xây dựng đã xác định được cấp độ từ thấp đến cao và đến mức độ cao nhất về số lượng theo chỉ đạo của tỉnh.

Song song với việc lên danh sách, công tác tổ chức nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại các điểm cách ly tập trung cũng đã được các địa phương chuẩn bị, đảm bảo công tác hậu cần, y tế, an ninh, trên nguyên tắc 4 tại chỗ. Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, ngành điện chủ động rà soát các phương án, ban hành kế hoạch tăng cường năng lực cách ly tập trung cho cán bộ, nhân viên trong ngành bảo đảm sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Cùng với việc sẵn sàng vận hành ngay tất cả các cơ sở cách ly tập trung khi có tình huống xấu có thể xảy ra, tỉnh cũng đã lên kế hoạch cho các tình huống, lên tới 1.000, 2.000, thậm chí 5.000 ca mắc Covid-19 và hơn nữa trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt nhất công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, đảm bảo không để tử vong nhiều, phát sinh nhiều ca bệnh.

Kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện thủy làm hàng tại các cảng, bến.

 

Căn cứ theo những hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, trong trường hợp ghi nhận 1.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh phân tầng thu dung điều trị, bao gồm: Bệnh nhân không triệu chứng; bệnh nhân có triệu chứng nhẹ tới trung bình; bệnh nhân nặng, nguy kịch. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh bố trí 4 bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. Riêng Bệnh viện Số 2, với công suất 300 giường, bên cạnh thu dung toàn bộ bệnh nhân khu vực Hạ Long, sẽ là tuyến cuối điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch, dự kiến sẽ chiếm khoảng 10% tổng số các ca mắc. Đối với các trường hợp người bệnh có triệu chứng nhẹ tới trung bình, sẽ được thu dung điều trị theo các khu vực: Bệnh viện Số 1 với công suất 350 giường tiếp nhận cho tuyến miền Đông; Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí tiếp dự kiến bố trí 100 giường cho Uông Bí, Đông Triều; còn lại sẽ chuyến tới điều trị tại Bệnh viện Số 3 công suất 250 giường.

Đối với phương án thu dung, cách ly, điều trị từ trên 1.000 đến 5.000 và tình huống có 10.000 ca F0, thực hiện thu dung, điều trị tối đa cho 5.000 F0 cùng lúc ở trong các bệnh viện. Trường hợp vượt 5.000 ca F0 sẽ kích hoạt thêm các cơ sở thu dung cách ly ngoài bệnh viện. Khi số ca nhiễm trong cộng đồng tăng dần từ 1.000 đến 5.000, lần lượt kích hoạt các cơ sở trong Hệ thống thu dung, cách ly điều trị F0 theo phương châm dịch bùng phát ở đâu, kích hoạt ở đấy dưới sự điều phối của Trung tâm điều hành, chỉ huy và tư vấn của Hội đồng chuyên môn, Tiểu ban điều trị…

Đến thời điểm hiện tại, tất cả các đơn vị đều đã chủ động lên kế hoạch chi tiết bố trí nhân sự, cơ sở vật chất, để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay khi có yêu cầu.

Cùng với lên phương án điều trị, để đáp ứng yêu cầu chống dịch trong bối cảnh xuất hiện các ca bệnh, tỉnh cũng xây dựng phương án dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu đảm bảo về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bình ổn giá trong trường hợp tỉnh thực hiện chỉ thị số 16 của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19. Song song với đó xây dựng và tăng cường chiến dịch truyền thông để tạo đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân, khơi dậy tinh thần dân tộc, yêu nước để phòng, chống dịch thành công. Trong đó có việc tuyên truyền các chủ trương, biện pháp mà Trung ương, tỉnh, địa phương thực hiện phòng, chống dịch đảm bảo người dân không chủ quan và chấp hành tốt việc phòng, chống dịch; tuyên truyền về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, cũng phải chủ động phát hiện, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tin giả, bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật, thông tin gây hoang mang trên không gian mạng về tình hình dịch bệnh để đảm bảo không có khủng hoảng, rủi ro, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Quảng Ninh xây dựng kịch bản cụ thể về phương án dự trữ, cung ứng hàng hoá cho nhân dân trong từng thời điểm, diễn biến của dịch bệnh. Ảnh: Minh Đức

Thiết lập “hàng rào” vắc-xin

Xác định tầm quan trọng của vắc xin trong trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2021, Quảng Ninh đã dành nguồn lực khoảng 500 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn lực xã hội hóa dành cho phòng, chống dịch và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân dân. Từ nguồn lực đó, tỉnh đã tích cực tìm kiếm các nguồn vắc-xin khác nhằm có được lượng vắc-xin nhiều nhất và nhanh nhất; đồng thời lên kế hoạch, phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng quy mô lớn, đảm bảo an toàn cho nhân dân Quảng Ninh. Mục tiêu cao nhất là phấn đấu hết hết năm 2021 toàn tỉnh sẽ cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng.

Với cách làm bài bản, chuyên nghiệp, từ tháng 4/2021 tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng mà được quy định tại Nghị quyết 21 của Chính phủ. Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh triển khai 8 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trên 172.000 người trong đó có 105.449 người tiêm đủ 2 mũi, 66.812 người tiêm 1 mũi. Điều đáng ghi nhận là không có bất cứ trường hợp tai biến nào sau tiêm chủng. Công tác an toàn tiêm chủng luôn được đặt lên hàng đầu.

Công tác khám sàng lọc trước tiêm tại điểm tiêm ở KCN Việt Hưng, TP Hạ Long.

Để đảm bảo tiến độ tiêm chủng, cùng với tổ chức tại các bệnh viện, cơ sở y tế, nhiều đợt tiêm cũng đã được tổ chức ngay tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cũng như các điểm tại Trạm y tế, nhà văn hoá, các trường học… Ngành Y tế toàn tỉnh đã bố trí đầy đủ nhân lực, vật lực cho công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn và hiệu quả. Ngành thành lập 96 tổ cấp cứu với gần 300 y bác sĩ tham gia công tác tiêm chủng; thành lập 195 điểm tiêm chủng trên toàn tỉnh và 195 tổ cấp cứu đi theo điểm tiêm để đảm bảo người dân sau khi tiêm vắc-xin được theo dõi sát sao về sức khỏe; tổ chức tập huấn các lớp về triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 3.038 người tại các đơn vị y tế đủ nhân lực đáp ứng được 195 điểm tiêm trên địa bàn tỉnh.

Để sớm hoàn thành mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng, hiện tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bảo đảm nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất và triển khai thực hiện đúng chủ trương, hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, kiên trì thực hiện quan điểm lấy người dân làm chủ thế chính, đóng vai trò quyết định, lấy địa bàn cấp xã làm trung tâm, huy động tối đa nguồn nhân lực y tế làm nòng cốt để triển khai tiêm chủng đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân theo tinh thần vắc-xin được cấp đến đâu, Quảng Ninh thực hiện tiêm chủng an toàn đến đó theo kế hoạch, không để lãng phí.

Dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm, vì vậy việc kiên trì thực hiện hiệu quả các chiến lược trên sẽ là yếu tố tiên quyết để Quảng Ninh tiếp tục giữ thành quả phòng, chống dịch của tỉnh thời gian qua, giảm số ca mắc, giảm số người tử vong và không để rơi vào tình trạng mất kiểm soát trên địa bàn nếu xuất hiện ca bệnh.

Nguồn: Thu Chung – Báo Quảng Ninh