Hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng

Dịch bệnh kéo dài, người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh đã và đang khẩn trương rà soát, thống kê hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng để kịp thời triển khai chính sách, tháo gỡ khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động.

Lãnh đạo phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) cùng ngành thuế đang rà soát, thống nhất đối tượng trên địa bàn được hưởng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ 12 chính sách được hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bao gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất…

Căn cứ vào các nội dung này, UBND tỉnh đã ban hành một loạt văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện (Công văn số 4169/UBND-VX2 ngày 2/7/2021; Quyết định số 2313/QĐ-UBND ngày 14/7/2021; Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 15/7/2021; Công văn số 4757/UBND-VX2 ngày 23/7/2021). Đồng thời, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến để chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị và UBND địa phương về tiến độ, kết quả triển khai thực hiện đảm bảo sự đồng bộ, tính hiệu quả, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương, đơn vị.

Đến nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rà soát, lập danh sách đầy đủ các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được hưởng các chính sách theo đúng quy định. Hiện Sở LĐ-TB&XH đã lập danh sách được 25.000 đối tượng thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ đối với lao động tự do, bao gồm 8 ngành, nghề lao động, với kinh phí hỗ trợ trên 32 tỷ đồng, như: Thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh, 3 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; làm trong các cơ sở giáo dục tư thục; thợ xây, phụ nề, thợ sơn…

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã bố trí cán bộ tiếp cận tuyên truyền, rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, các cán bộ đã liên hệ và rà soát được 1.599 doanh nghiệp, người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP. Trong đó, có 24 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trên 7 tỷ đồng để chi trả lương cho 2.388 lượt người lao động; 18 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có nhu cầu vay trên 4 tỷ đồng; 2 doanh nghiệp vận tải có nhu cầu vay vốn trên 2,3 tỷ đồng; các doanh nghiệp khác đang tiếp tục củng cố, hoàn thiện hồ sơ về nhu cầu vay vốn theo quy định.

Hiện tại, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện giải ngân cho 3 doanh nghiệp, với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng để chi trả lương ngừng việc cho trên 100 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Sở Du lịch đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 71 hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 5.302 doanh nghiệp (193.051 lao động), với số tiền trên 11 tỷ đồng. Đồng thời, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 2 doanh nghiệp (505 lao động), với số tiền trên 3 tỷ đồng.

Đặc biệt, liên quan đến ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng, Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trên 1.700 hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ theo quy định. Bước đầu đến nay đã có 71 hướng dẫn viên hoàn thành hồ sơ, đủ điều kiện, được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ khó khăn, với tổng số tiền trên 260 triệu đồng. Việc hỗ trợ được chi trả một lần với mức 3.710.000 đồng/người bằng hình thức chuyển khoản đến tài khoản cá nhân của hướng dẫn viên.

Nhằm đảm bảo các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, UBND tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác liên ngành kiểm tra tại các địa phương. Qua quá trình kiểm tra, cho thấy quy định về thủ tục, hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất (tại điểm g, Khoản 1, Điều 40 của Quyết định số 23/QĐ-TTg) còn có vướng mắc về thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Bởi theo cơ quan thuế, hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện khai báo quyết toán thuế trực tuyến trên môi trường mạng và tự chịu trách nhiệm về nội dung khai báo, cơ quan thuế chỉ thực hiện công tác hậu kiểm nên không có văn bản thông báo quyết toán thuế. Do vậy, nội dung thủ tục này đang sớm được tháo gỡ kịp thời, để giúp cho các doanh nghiệp nhanh chóng được thụ hưởng.

Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, hiện các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đang nhanh chóng triển khai, hướng dẫn các đối tượng hoàn thành quy trình thủ tục, kịp thời thụ hưởng chính sách hỗ trợ, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống.

Theo Báo Quảng Ninh